​QUAN HỆ  VIỆT NAM – TRUNG QUỐC:

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 1991
1. Quan hệ chính trị

Về quan hệ chính trị, hai nước đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trao đổi đoàn ở trung ương và địa phương ngày càng tăng với số lượng trên 200 đoàn, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước. Năm 2013, tiếp xúc và thăm viếng Cấp cao diễn ra nhộn nhịp, hình thức đa dạng, phong phú như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm qua đường dây nóng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 10 tại Nam Ninh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao APEC 21, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam và các chuyến thăm, tiếp xúc khác. Hai bên cũng đã tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung với những kết quả cụ thể. Hai bên cũng đã ký kết Chương trình hành động giữa Chính phủ hai nước về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Từ đầu năm 2014 đến nay, quan hệ hai nước tiếp tục đà phát triển tốt đẹp, các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức đa dạng. Chuyến thăm TQ của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (21-25/2) thành công tốt đẹp; Cuộc gặp biên giới cấp cao lần đầu tiên giữa quân đội hai nước (10-12/3) đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về xây dựng đường biên giới hai nước hoà bình, ổn định.

Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng, đã tổ chức 9 cuộc hội thảo về lý luận giữa hai Đảng; dự kiến hai bên sẽ tổ chức Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 10 tại Việt Nam trong năm nay.

Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được đẩy mạnh, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận văn bản hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký tháng 12/2002), hai Bộ Công an (ký tháng 9/2003), hai Bộ Quốc phòng (ký tháng 10/2003); hai ngành An ninh (ký tháng 3/2005); Thoả thuận hợp tác biên phòng (ký tháng 8/2007); Thỏa thuận về hợp tác giữa hai Tổng Cục chính trị Bộ Quốc phòng hai nước (ký tháng 12/2007); Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng chống buôn bán người (ký năm 2010).

      Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức và thiết thực. Hai bên đã tiến hành họp 6 phiên họp Ủy ban công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) và 04 phiên họp Nhóm công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tiến hành họp 03 kỳ Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ/ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, 6 kỳ họp Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

            Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường. Hai bên đã tổ chức thành công 2 lần Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây với quy mô hơn 10.000 người (Liên hoan thanh niên Việt - Trung lần 2 vừa tổ chức tại Quảng Tây từ 24-27/11/2013), Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt - Trung (11/2010), Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất (12/2010), 5 lần Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, 13 lần Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.

            2. Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư  

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt gần 50 tỷ USD, tăng 21.1% so với năm 2012 (ta xuất 13.1 tỷ USD, nhập 36.8 tỷ USD, lần lượt tăng 2.1% và 26.7%), thâm hụt thương mại giữa VN và TQ đạt 23.7 tỷ USD, tiếp tục tăng mạnh với 27.47%. Cơ cấu hàng xuất khẩu của ta sang Trung Quốc đã và đang có những chuyển biến tích cực nhất định. Từ năm 2011 đến nay, tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đang có xu hướng tăng dần (trên 30% trong khi trước đây chỉ 10%), vượt qua nhóm hàng truyền thống nông lâm thủy sản.

Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới, tính đến hết năm 2013, Trung Quốc có 977 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký luỹ kế đạt gần 7 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, riêng năm 2013 đầu tư FDI của TQ vào VN tăng mạnh đạt 2.3 tỷ USD, chiếm 16% tổng FDI của VN và đứng thứ 3 trong số 50 quốc gia và khu vực có dự án đầu tư cấp phép mới vào VN. Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD ưu đãi tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hoá chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại dùng vào việc tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội ở Trung Quốc; giao lưu thanh thiếu niên; đầu tư trang thiết bị cho một số bệnh viện tại Việt Nam; xây dựng khu nhà ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kim ngạch song phương đi đôi với cải thiện cán cân thương mại. Hai bên đã ký “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012 - 2016” dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc (10/2011), ký Bản ghi nhớ Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm kèm Quy hoạch vào dịp Phiên họp lần 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (4/2013). Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với trọng tâm là hợp tác xây dựng một số dự án tiêu biểu có quy mô lớn về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông; tiếp tục áp dụng các biện pháp đảm bảo thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển cân bằng, lành mạnh, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 60 tỷ USD năm 2015; tăng cường phối hợp và hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là hợp tác trong việc phòng ngừa tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế, giữ vững an ninh tiền tệ ở mỗi nước. Để thực hiện các nhiệm vụ này, hai bên nhất trí thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ.

  3. Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch

  Trong những năm qua, quan hệ trao đổi, hợp tác giữa ta với Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá, thể thao được đẩy mạnh.  

  Hàng năm, Trung Quốc cung cấp 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có hơn 13500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng và có khoảng trên 3500 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ , du lịch và kinh doanh.

  Về văn hóa, thể thao: hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2013 - 2015” (ký dịp Phiên họp 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung); tích cực thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực…. Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hoá, thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả “Thoả thuận về hợp tác Thể dục thể thao”, Trung Quốc giúp ta trong việc huấn luyện và đào tạo vận động viên tài năng cho những đấu trường lớn.

 Về hợp tác du lịch: Năm 2013 có 1.9 triệu lượt khách TQ đi du lịch VN, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nguồn du lịch lớn của Việt Nam và 1.5 triệu lượt khách VN đi du lịch TQ, đưa VN trở thành thị trường khách du lịch lớn thứ 4 của TQ.

4. Về biên giới lãnh thổ:

Sau khi bình thường hoá quan hệ, năm 1993, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển (Biển Đông).

Đến nay, hai bên đã ký Hiệp định về biên giới trên đất liền (1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000); Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000); Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004).
              - Về biên giới trên bộ: Ngày 31/12/2008, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đúng thời hạn Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận. Hai bên đã công bố Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu có hiệu lực từ 14/7/2010. Hai bên đang tiến hành đàm phán để sớm ký Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc.

            - Về Vịnh Bắc Bộ: hai Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ) được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi dần đi vào nề nếp, hạn chế tối đa các xung đột có thể nảy sinh. Hai bên thỏa thuận tiếp tục thực hiện tốt hai Hiệp định này, cũng như thực hiện tốt công tác kiểm tra liên hợp, điều tra liên hợp nguồn thủy sản trong Vùng đánh cá chung và tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ, đẩy nhanh việc thực hiện “Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thỏa thuận tại Vịnh Bắc Bộ”. Hai bên đã tổ chức 3 vòng đàm phán về hoạt động của tàu cá Việt Nam - Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tại Vịnh Bắc Bộ sau khi vùng dàn xếp quá độ đã hết hiệu lực.

- Về vấn đề biển Đông: Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần trao đổi về vấn đề Biển Đông. Năm 2011, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, góp phần định hướng cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên cần kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần DOC. Trên cơ sở Thỏa thuận, hai bên đã thành lập cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Đến nay, sau 4 vòng đàm phán về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và 4 vòng đàm phán về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, hai bên đã đạt được một số kết quả ban đầu: nhất trí thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật khảo sát chung phục vụ công tác phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; nhất trí chọn ra 3 dự án trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để ưu tiên nghiên cứu và triển khai thí điểm trước, gồm: Dự án về hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Dự án về nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang, và Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên nhất trí thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về Biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, nhằm cụ thể hóa thêm một bước nhận thức chung quan trọng, thể hiện trong các Tuyên bố chung giữa hai nước trong những năm qua về việc “nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển”.

Trong khuôn khổ đa phương, ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. ASEAN hiện đã sẵn sàng và đang tích cực thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đầu tháng 9/2013, ASEAN - Trung Quốc lần đầu tiên tham vấn chính thức ở cấp SOM về COC./.

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​